Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Quan điểm của Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia


Tâm tư của một anh “bộ đội Cụ Hồ”

Gần nhà tôi có một bác cựu chiến binh nay đã “ngoại bát tuần”. Có lần bác bộc bạch: ”Nghề của tôi là anh bộ đội Cụ Hồ“…Nhưng thực ra bác là một người đã từng theo học”trường Tây” ở Hà nội, kháng chiến bùng nỗ bác đi theo Cụ Hồ làm lính cho đến ngày về hưu với chức vụ đại tá.
Nếu chỉ có vậy thì tôi không nói ra đây làm gì, vì giờ có rất nhiều cấp tá về hưu như bác. Số là mấy tuần trước bác có gọi điện thoại cho tôi để giải bài một tâm trạng bức xúc mà qua điện thoại tôi nghe không được rõ, chỉ hiểu đại khái là bác vừa được đi nghe phổ biến tình hình dành cho cán bộ hưu trí ở trong phường nơi cư trú… Hôm đó vị diễn giả là một cán bộ lãnh đạo cao cấp nhưng không hiểu sao lại nói “xanh rờn” rằng ông cha ta xưa kia đánh thắng giặc phương Bắc rồi đều trở lại quy phục, triều cống…nay chống họ làm gì… (?) và những ai tham gia biểu tình này nọ đều là tiếp tay cho bọn Việt Tân …(!)
Nghe vậy, tôi cũng thấy “lạ lẫm”, vừa thương vừa cảm phục ông già đã ở tuổi “sắp về với các cụ” mà vẫn sắc sảo và tâm đắc  trước những vấn đề của đất nước…
Chuyện bẳn đi cho đến hôm qua, bác sang tận nhà tôi khẩn khoản : “Cậu làm sao giúp tớ đưa cái này lên mạng…” rồi chìa ra 2 trang giấy đánh máy. Đó là lá thư mà bác nói đã viết cho vị diễn giả kia! Thấy tôi băn khoăn, bác bảo “Tớ đảm bảo những điều viết trong đó hoàn toàn đúng sự thật mà tớ đã ghi lại với kỹ năng của một quân báo…“, và nói thêm: “Tớ muốn hỏi ý kiến từ công luận, cậu hiểu không?
Vậy là tôi đã bị “thuyết phục” không phải vì lời nói mà chính là sự nhiệt huyết của ông lão chẳng qua vì không biết sử dụng internet.
Dưới đây là nguyên văn những gì ông viết trong 2 trang giấy đó.
 Ngày 19  tháng 8 năm 2011
Thân gửi đồng chí Tạ Ngọc Tấn
Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia.
Tôi là một đảng viên đã được nghỉ sinh hoạt Đảng, thuộc Đảng bộ Phường Nghĩa Tân, sau khi  cân nhắc suy nghĩ kỹ thấy cần phải viết cho đồng chí lá thứ này.
Ngày 30/7/2011 vừa qua, theo triệu tập của Chi ủy Chi bộ 27, cùng toàn thể đảng viên đảng bộ Phường, tôi đã đến hội trường của Học viện và được nghe đồng chí truyền đạt nghị quyết Đại hội Đảng XI. Trong nội dung trình bày của đồng chí, tôi và một số đảng viên cao tuổi khác đều rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng về một số đoạn đồng chí đã nói và xin trích gần như nguyên văn dưới đây một số đoạn,  mong được đồng chí xem lại có thực là ý đồng chí định nói ?
1. “… Gần đây có chuyện một số người tụ bạ, dưới ngọn cờ yêu nước tổ chức nhiểu cuộc biểu tình tuần hành… chống Trung Quốc, phụ họa (hay nối giáo, tôi nghe không rõ lắm) với luận điệu của Đảng Việt Tân, sa vào âm mưu của bọn Việt Tân đang tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Trung, phá hoại về chính trị, gây bất ổn định trong xã hội…”
2. “… Yêu nước như kiểu ấy không bằng phá nước!!! Lịch sử cả ngàn năm Bắc thuộc, dù ta có đánh thắng nhiều cuộc xâm lăng từ phía Bắc nhưng ông cha ta đã rất khôn ngoan luôn coi trọng việc hòa hiếu, nào là thần phục, chịu sắc phong vương, nào là triều cống đủ thứ… Huống chi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta với Trung Quốc như môi với răng. Bản thân tôi (đ/c Tấn) vào bộ đội chống Mỹ thì từ đầu đến chân toàn là vũ khí trang bị của Trung Quốc, đến cả quân trang, mũ cối, dép râu đến lương khô cũng là của Trung Quốc!!!”.
3. “… Trong tranh chấp biên giới trên đất liền, thực ra ta có mất gì đâu? Tôi đã trực tiếp lên Bản Giốc, theo đường phân thủy, ta có 2 phần, Trung Quốc được 3 phần, thì ở bãi giữa sông Bắc Luôn (Lào Cai) ta được 3 phần, Trung Quốc chỉ có 2!!”
4. “… Tranh chấp làm gì? Ta cứ gây hấn với Trung Quốc thì được cái gì?”.
5. “… Mất một chút nào đó để tránh được chiến tranh, giữ gìn bảo vệ được hòa bình thì… (đoạn này nghe không rõ). Lúc này giữ gìn bảo vệ được hòa bình là chủ trương nhất quán vì lợi ích cơ bản, toàn bộ và lâu dài của ta!!!”.
Riêng tôi và một số đồng chí khác tham dự cuộc phổ biến nói trên đã có trao đổi và cho cho rằng:
1. Có thể chưa hoàn toàn đúng từng câu chữ , nhưng điều quan trọng nhất là ý tứ, nội dung cơ bản trên đây là đúng với với ý tứ nội dung của đồng chí trình bày;  
2. Nếu đúng, xin đồng chí cho biết rõ đó là những ý kiến cá nhân của đồng chí hay là chủ trương của Trung ương? (Mong rằng  có thể do phương pháp, cách thức phát ngôn của đồng chí khiến chúng tôi hiểu lầm chăng?)
3. Để ổn định và thống nhất nhận thức ý chí trong Đảng bộ, đề nghị đồng chí cho biên soạn lại bài nói hôm đó thành văn bản và phổ biến một cách chính thức trong toàn Đảng bộ phường Nghĩa Tân.
Mong sớm được sự hồi âm của đồng chí và xin gửi đồng chí lời chào quyết thắng.
                                                                                                      Đã ký
Đồng kính gửi:
- Chi ủy chi bộ 27;
- Đảng ủy phường Nghĩa Tân.
 Phạm Xuân Phương
Đảng viên chính thức đã nghỉ sinh hoạt Đảng
Chi bộ 27, Đảng bộ phường Nghĩa Tân
Đ/C: 312 -C7-T2 Nghĩa Tân
Cầu Giấy – HN. ĐT: 043. 8361687

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Đinh Tiến Lực



Aug 19, '11 2:31 PM
for everyone
Tiên Sư Thằng …Thế Lực Thù Địch
. Đinh Tấn Lực

Tình hình đích thị là hết sức …tình hình. Cái từng được tán dương là thủ đô của lương tâm nhân loại hiện phủ đầy tà khí. Cái từng được vỗ ngực là mớ hình ảnh ổn định đều bị photoshop làm cho sắc nét/rõ màu/lộ hàng tất tật. Chưa bao giờ tình thế bị động/lúng túng/lung lay/bối rối/bất cập… lại cực lực vượt mức rúng động như hôm nay.
Tất cả mọi nguyên cớ thảm hại chỉ do bởi độc nhất mỗi thằng (Superman) Siêu nhân ba đầu/sáu tay/mười hai túi (lại giỏi thuật tàng hình), và thường được từng loạt báo đài hoành tráng gọi đích danh là Thế Lực Thù Địch chuyên nghề giật dây thiên hạ.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và mấy thằng nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước (đã thăng chức) hợp lực giật dây… mà đĩa cơm ba ngàn đã nhảy vọt lên mười lăm ngàn; bó rau muống tăng giá gấp sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái; cục Quản Lý Giá phải pha chè để chờ tân bộ trưởng Tài Chính vào làm việc; nợ công tròm trèm phân nửa tổng sản lượng quốc gia; chỉ số lạm phát vượt quá 22%, tức gấp năm lần chi số tăng trưởng kinh tế…
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và mấy thằng nguyên bộ trưởng từng tuyên bố dẹp bỏ giường bệnh cá hộp đã ra sức giật dây… mà đến nay, bệnh nhân vẫn rụng rời theo nhau rũ chết trước khi người nhà chung chi đủ số, và Bộ y tế đã rềnh rang/trang trọng trao huy chương “Vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân” cho các cố bác sĩ bị người thân bệnh nhân “xấu số” trả thù.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và các đường dây chạy chức ngày càng chằng chịt/nhộn nhịp/rôm rả… mà đa phần học sinh bị zêrô điểm sử đã trở thành chuyện bình thường; sinh viên tốt nghiệp đại học qua các nước bạn Lào/Miên để làm phu hồ cũng là chuyện bình thường; hay chiến lược giáo dục 2010-1015 là “Tổ chức đánh giá quốc gia và tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập” rất đỗi bình thường như vừa kể.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và hệ thống Công đoàn trong đội tiên phong của giai cấp lãnh đạo cách mạng quang vinh muôn năm… mà dân ta, ngoại trừ khi được “gọi”, tuyệt đối không được bén mảng tới khu vực tự trị của công nhân “nước ngoài”, những nơi tràn ngập lao động nhập khẩu không cần tay nghề lẫn giấy phép, với những tỷ lệ làm lậu cao ngất ngưỡng (78% ở Ninh Bình, 66% ở Nhân Cơ…).
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và các bộ trưởng chuyên ngành “giải trình bằng văn bản”… mà Hà Nội, cả  trước lẫn sau khi mở rộng, đều có mỹ danh là “đô thị nước” của Đông Nam Á; xa lộ Đông Tây đã trở thành quen thuộc với độc giả những cột báo hình sự của các hãng thông tấn nước ngoài; và trục lộ vận chuyển quặng bôxít từ Tây Nguyên ra biển lưỡi bò sẽ cạnh tranh trong sáng với đường tàu cao tốc Bắc Nam, để vươn mình thành một dự án tầm thế kỷ.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi cùng các em bộ trưởng chân dài ga muốt… mà cả xã hội thăng hoa toàn phương vị lên mức vô cảm/duy ngã/makeno: giành giật tiền của người bị nạn; thậm chí, giành giật cả các món cúng cô hồn ngày xá tội vong nhân rằm tháng bảy; vợ chồng/cha con giết nhau; học trò đánh thầy giáo; bệnh nhân giết thầy thuốc; công an giết công dân, thậm chí còn chính thức phát ngôn cho cả thế gới cùng hãi: “Tao sẽ đánh mày cho bác sĩ nhìn không ra, luật sư tìm không thấy! Tao sẽ làm cho mày mất khả năng đàn ông!”.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và các điều 17-18 chết tiệt của hiến pháp 1992 mà “đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời”… đều mặc nhiên trở thành nguồn lợi bất khả sang nhượng của các phe cánh cật lực đấu đá giành giật nhau quyền quy hoạch; bất luận trước đây các vùng đất đó từng là sở hữu của tư nhân/đoàn thể/giáo hội; bất kể sự hình thành của đại khối “dân oan” với chồng đơn khiếu kiện của họ cao ngang Cổng Trời.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi và một hệ thống ăn chia… mà cả giuộc chính phủ biến thành một cỗ máy biển thủ hợp pháp, nhân danh phục vụ đảng; một mạng lưới tham nhũng hợp pháp, nhân danh bôi trơn các kích cỡ bánh xe hành chánh; một cơ chế phù phép hợp pháp hô biến tài nguyên quốc gia thành tài sản riêng, nhân danh điều phối/đấu giá các dự án kinh tế; một guồng máy quốc doanh phá sản hợp pháp, nhân danh đầu tàu chủ đạo kinh tế thị trường có đuôi định hướng.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi cùng một dãy ban bệ tuyên giáo… mà độc giả báo chí ở đây được vinh danh đọc một (tờ) biết trăm (tờ); nhân dân cả nước trở thành các nhà tiên tri đại tài chưa đi bầu đã biết ai thắng cử; quốc hội chưa họp đã biết đâu là chủ trương lớn; em phát ngôn chưa kịp mở mồm đã biết ngay là ta có trong tay đầy đủ các chứng cứ lịch sử; và cực an tâm rằng “Chiến lược biển, đảo đến năm 2020” cốt yếu là nhằm đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về biển đảo.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi ở đó cùng một lũ hèn như hến ở đây, mà bản hiến pháp 1980 bị chỉnh sửa “Lời nói đầu”, hàng trăm đầu sách về “chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn” bị đốt sạch. Từ đó, ngư dân VN, từ Hòa Lộc xuống tận Lý Sơn, thường xuyên bị cướp cá/cướp neo/cướp lưới/cướp tàu/giam người đòi tiền chuộc; hay bị lũ ngư chính đâm chìm tàu giữa ngư trường truyền thống…
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi bên đó cùng một bọn nhược nô bên này, mà VN bị mất khống gần ngàn cây số vuông lãnh thổ, hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải, một phần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; và nhân dân VN bị khóa chân/bẻ tay/bịt miệng/áp án… không thể ta thán/phản biện/kêu đòi.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Cũng chỉ vì mi cùng mớ chữ mạ vàng, mà các chiến sĩ VN của cả hai miền đã anh dũng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh dọc sáu tỉnh biên giới hay tại Hoàng Sa/Trường Sa đã mấy chục năm qua chưa từng có được một lễ giỗ tươm tất chừng độ vài phân của lễ mừng ngày vương triều đại khánh 1 tháng 10.
*
Tổ cha thằng …thế lực thù địch!
Chỉ bởi vì mi với cái huy chương tứ hảo, mà bộ an ninh và bộ ngoại giao xứ này trở thành đối thủ trống-kèn tưởng chừng không đội trời chung, song hóa ra chỉ là những vai hề thời đại qua các vở hài họp báo. Thời sự và diễu nhất là bản thông báo răn đe khơi khơi không chữ ký về vụ cấm cửa biểu tình chống hiểm họa xâm lược.
*
Kỳ thực, ai cũng biết cái sinh tử lệnh của dàn lãnh đạo tiểu bá từng nhất dạ đế vương có thu hình độ phân giải cao trên xứ sở đại bá kia là ở khâu khấu đầu đối ngoại, cho nên trước sau gì cũng phải có một thứ văn bản chính thức đe nẹt (rằng biểu tình là bị thằng thế lực thù địch giật dây), cho ra chiều phải đạo với bề trên.
Cái khó là ở chỗ thằng nào dám ký?
Bởi vì, nói cho cùng kỳ lý, thằng Thế Lực Thù Địch nọ chỉ là cái bung xung biết tàng hình/độn thổ và từng là ân nhân sáng lập ra cả dàn tư bản đỏ trên đất nước này.
Kẻ thù trước mặt/bên hông/sau lưng… kỳ thực, chính là thằng …Yêu Nước.
Cứ nhìn quanh đi, coi thử đứa nào dám gan rồng mật gấu ký lệnh cấm yêu nước?
Hay ký thêm cái công hàm cho thế giới chiêm ngưỡng cái quyền ra chỉ thị cấm nhân dân yêu nước?
Đành phải rên khẽ: Tiên sư thằng …yêu nước!
Phải vác ngang/vật ngửa/túm cổ/quặt tay/đạp mặt rồi tống nó lên xe thôi.
Cho đỡ rắc rối, và luôn thể …bớt hãi chút coi nào!

19-8-2011, mừng sinh nhật Mỹ Linh, để khỏi phải nhắc tới ngày Cả nước vào thu hay ngày CA hiếp dân.
Blogger Đinh Tấn Lực

Tống Văn Công


289. Kẻ Thù

Posted by basamnews on 23.08.2011
Bauxite Việt Nam

Kẻ thù!

Tống văn Công

Trước đây…
Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi vào Đảng cộng sản, một trong những vấn đề cốt yếu nhất mà tôi thường phải học đi, học lại là xác định rõ kẻ thù dân tộc trong từng thời kỳ.
Thời chống Pháp, chúng tôi biết rõ đồng minh số một của Pháp là Mỹ, nước giúp Pháp hơn 80% chiến phí. Rồi kế tiếp Mỹ là nước nào, nước nào. Đến thời chống Mỹ, dù miền Nam có chính phủ Việt Nam Cộng hòa, được nhiều quốc gia công nhận, nhưng chúng tôi được xác định Mỹ mới là kẻ thù chính và “Mỹ cút” thì “ngụy nhào”. Chúng tôi biết Pháp không phải đồng minh của Mỹ. Pháp là một trong những nước đầu tiên chấp nhận cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miềnNam đặt cơ quan đại diện để liên hệ với thế giới.
Tuyệt đại đa số nhân dân, được phổ biến nhận định về kẻ thù rất kịp thời. Ví dụ, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhân dân được hướng dẫn, từ đây kẻ thù chính là Nhật, kế đó mới là bọn Pháp cam tâm làm tay sai cho Nhật.
Trước khi ký kết Hiệp nghị Geneve, chúng tôi được báo sắp tới đây, kẻ thù sẽ là Mỹ.
Trước cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc của Trung Quốc năm 1979, Tổng bí thư Lê Duẩn cho toàn Đảng, toàn dân biết rằng, ông không hề bị bất ngờ vì đã nhìn thấy âm mưu xâm lược của Trung Quốc hằng chục năm trước! (Cho đến nay, Trung Quốc không hề thay đổi bản chất, chỉ có chúng ta tự thay đổi cách nhìn của mình đối với họ!).
Xác định rõ kẻ thù dân tộc cho đảng viên, cán bộ và nhân dân biết rõ là điều kiện cơ bản để tạo ra sự thống nhất tư tưởng cao, chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đối phó, sẵn sàng chịu đựng, và phát huy sáng tạo về mọi mặt để chống giặc: Đánh chúng cả ba vùng (nông thôn, thành thị, miền núi); đánh chúng bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, ngoại giao); đánh chúng bằng mọi phương tiện: súng, hầm chông, ong bò vẻ…
Nhờ hiểu rõ kẻ thù mà nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giành được thắng lợi khiến cho nhiều nhà nghiên cứu quân sự thế giới phải ngạc nhiên.
Bây giờ…
Giờ đây nhân dân ta lại đứng trước một tình hình vô cùng bức bối là phải xác định cho rõ kẻ thù!
Năm 2009, ông Nguyễn Trần Bạt – tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng, khi được hỏi có băn khoăn gì về kinh tế, ông nói: “Điều tôi băn khoăn bây giờ không còn là chuyện kinh tế VN. Điều tôi suy nghĩ bây giờ chính là điều mà đầu thế kỷ 20 Hồ Chí Minh suy nghĩ, tức là chúng ta bắt đầu lại phải suy nghĩ về vấn đề độc lập dân tộc”.
Ba năm sau, ngày 14-7- 2011, hằng ngàn đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, trí thức tiêu biểu và đủ mọi tầng lớp nhân dân trong ngoài nước đã ký vào Bản kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Đề mục thứ nhất của Bản kiến nghị là “I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng”. Nội dung là: Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, tự ý vạch ra “đường lưỡi bò”chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, liên tục tiến hành những hoạt động bất hợp pháp để khẳng định yêu sách của họ. Trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc tấn công chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta, năm 1988 chiếm 7 đảo và bãi đá thuộc Trường Sa của ta, tự ý cấm đánh bắt cá, xua đuổi bắt giữ, cướp tài sản, đòi tiền chuộc đối với ngư dân ta; gây sức ép buộc hủy bỏ các hợp đồng của ta ký kết với các tập đoàn kinh doanh dầu khí nước ngoài; cho tàu chiến xông vào vùng biển của ta cắt cáp tàu thăm dò… Trung Quốc tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp, lấn chiếm, từng dùng hành động quân sự. Tất cả đều trong mưu đồ lâu dài khiến cho ViệtNam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc. VIỆT NAM CÀNG NHÂN NHƯỢNG, TRUNG QUỐC CÀNG LẤN TỚI.
Qua nhận định trên đây, bộ mặt kẻ thù đã hiện rất rõ.
Tuy nhiên hiện thực Việt Nam lại diễn ra một cách u u minh minh, người dân luôn luôn được định hướng phải cảnh giác về một “thế lực thù địch” không phải là kẻ láng giềng thâm hiểm mà là những kẻ ở tận bên trời Tây! Lập luận này nghe cũng khá trôi chảy, thuận tai, bởi vì cả hai cuộc chiến tranh giành độc lập mà di hại còn sờ sờ ra đó chẳng phải đều có nguồn gốc từ phương Tây cả hay sao?
Trong khi bao nhiêu gia đình ngư dân đang chết dở vì Trung Quốc bắt, bắn hay đòi tiền chuộc thì Tân Hoa xã đưa tin: “Ngày 15-4-2011, Bộ trưởng Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc đã nói với Chu Vĩnh Khang Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc: Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước”.
Các cơ quan truyền thông Việt nam và Trung Quốc cùng đưa tin: Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung quốc Quách Bá Hùng thăm Việt Nam, được lãnh đạo Việt Nam tiếp đón long trọng.
Chiều 13-4-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thượng tướng Quách Bá Hùng, hai bên xác định cùng Cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Một tháng sau, ngày 26-5-2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 đang làm nhiệm vụ thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Tân Hoa xã lớn tiếng lên án Việt Nam láo xược xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao ta thì Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn của ta và bên họ đã thỏa thuận với nhau sẽ không làm gì gây phức tạp tình hình, cùng định hướng truyền thông hai nước không làm gì ảnh hưởng đến tình hữu nghị…
Nhưng chỉ phía chúng ta tích cực tuân thủ điều đó. Họ không ngừng có những bài viết xúc phạm nhân dân ta. Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên tổ chức khảo sát vùng biển từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa suốt một tháng rưỡi, từ 13-6 đến 30-7-2011, rồi công bố tin này như một thách thức sự hèn yếu của chúng ta.
Giữa lúc những người Việt Nam yêu nước quá bức xúc liên tục xuống đường biểu tình vào các ngày Chủ nhật phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn, nhằm hậu thuẫn cho tiếng nói của chính phủ ta trước áp lực của kẻ xâm lược thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng long trọng tuyên bố: Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Không phải chỉ những ngư dân miền Trung ngơ ngác mà các đảng viên cộng sản khi nghe, cứ tưởng ông Ủy viên Bộ Chính trị của mình có khiếu khôi hài!
Đúng thời điểm Chủ tịch Quốc hội ta phát đi tín hiệu mới về hòa bình hữu nghị thì phía Trung Quốc cũng đáp lễ: Ngày 19-8-2011, ông Nguyễn Ngọc Hiếu Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (Đông Hới, Quãng Bình) cho biết tàu QB-1825-TS do anh Nguyễn văn Thạnh làm chủ đã bị Trung Quốc bắt tại 17 độ 50 vĩ độ Bắc, 109 độ 20 kinh độ Đông. Chị Nguyễn Thị Hằng vợ anh Thạnh nhận điện từ Trung Quốc, thông qua phiên dịch, cho biết Trung Quốc đòi phải nộp 6250 USD mới thả tàu và người.
Thưa ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tình yêu đơn phương của ông đã không được chú Đại Hán chấp nhận! Liệu quỹ cứu trợ của André Menras Hồ Cương Quyết có đủ khả năng trợ cấp mãi mãi tiền chuộc tàu thuyền cho anh Thạnh và bà con ngư dân?
Câu hỏi này chưa được trả lời thì Thông báo của UBND Hà Nội được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cả nước buộc phải chấm dứt biểu tình, vì: Ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình; Tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định chính trị; Tác động tiêu cực đến đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước ta; Đối tượng chống đối trong ngoài nước sẽ lợi dụng chống Đảng, nhà nước. Thông báo này đề ra cho lực lượng làm nhiệm vụ được “áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự”…
Như vậy là đang lặp lại khả năng tái diễn những hình ảnh lôi, khiêng, đạp vào mặt, quăng những người biểu tình như quăng súc vật. Đó mới thực sự là những hình ảnh chẳng những làm xấu xa hình ảnh Thủ đô –Thành phố vì hòa bình, mà còn bôi nhọ cả nhà nước và chế độ này.
Nếu cho chiếu lại cảnh quay những cuộc biểu tình sẽ thấy cái xấu, cái đẹp là ở đâu rất rõ ràng. Suốt hai tháng qua, đi đầu các cuộc biểu tình đều là các đảng viên cộng sản, trí thức nhân sĩ đáng kính, nào thấy bóng tên phản động Việt Tân nào? Đảng Việt Tân luôn tìm cách khoa trương thanh thế, nhưng chúng chẳng tìm đâu ra cơ hội. Chỉ thấy bà Phương Nga nhà ta yếu bóng vía đã vô tình đề cao bọn chúng: “Đảng Việt Tân đang lợi dụng tình hình căng thẳng để kích động nhân dân ViệtNamcó những hành vi chống nhà nước”.
Nói như vậy là quá coi thường một nhân dân đã được trui rèn trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng đất nước. Bài học đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở là phải tin dân, hỏi dân, học dân, sao bà Nga và các vị không nhớ? Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại ý kiến của số khá đông người nhận định về Đảng Việt Tân. Cứ nhìn cách họ hành xử có thể cảm nhận, hình như đây là một tổ chức của Bắc Kinh lập ra nhằm: 1/ Chia rẽ nhân dân với Đảng, nhà nước Việt Nam; 2/ Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế có lý do lên án Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến, xâm phạm nhân quyền. Bởi vì chưa thấy một Đảng chính trị nào mà số đảng viên bị bắt, bị đem làm vật hi sinh cho danh tiếng của Đảng nhiều như Việt Tân. Ông Phạm Minh Hoàng bị bắt, đang cố chối mình không phải Việt Tân, vợ ông trả lời báo chí cũng cả quyết như thế. Nhưng người đại diện của Việt Tân nhanh chóng tuyên bố đòi nhà nước ViệtNam phải trả tự do ngay cho đảng viên Việt Tân là ông Phạm Minh Hoàng.
Kẻ thù phương Bắc đã và đang lộ rõ chân tướng bành trướng của chúng. Nhân dân thế giới ngày ngày liên tiếp cảnh báo bộ mặt thật của chúng. Mọi hành vi che đậy bộ mặt xấu xa của chúng, dù thực, dù giả đều có hại, vì sẽ làm sứt mẻ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Niềm tin mạnh hơn súng đạn. Đảng, nhà nước ViệtNam phải ghi nhớ điều đó.
Chúng ta muốn hòa bình hữu nghị, chúng ta tránh khiêu khích, nhưng không giả dối nuốt bồ hòn làm ngọt, mà phải dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào bạn bè trong khu vực và thế giới để buộc họ cũng phải cư xử bình đẳng với ta. Đó là những tấm gương hành xử của Nhật, Hàn,Phi,Singapore… Và trên hết là dựa vào nhân dân! Nhân dân biểu tình trong trật tự, hát vang bài ca cách mạng là hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào nhất của một quốc gia và những người lãnh đạo nước nhà.
19-8-2011, ngày Cách mạng Mùa Thu.
T.V.C.
Nguồn: BVN
—–
* Tống Văn Công từng là Tổng biên tập báo Lao động (1989-1994), ông còn có bút danh Chính Văn, Thiện Ý.

Bài của Người Quan Sát đăng trên Anhbasam


269. Sự khó xử của nhà cầm quyền đối với biểu tình yêu nước

Posted by basamnews on 17.08.2011
Đôi lời: Bài viết công phu, rất hay, sâu, và tinh tế. Xin góp thêm:
- Có lẽ ban đầu phía chính quyền mường tượng, thậm chí mong, sẽ có những “kẻ lợi dụng” biểu tình phản đối Trung Quốc bành trướng để “chống phá”, đòi quyền lợi riêng (đất đai chẳng hạn), đòi trả tự do cho một số tù nhân “chính trị”, kể cả sự tham gia của cái gọi là “Việt Tân” mà bà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã tưởng tượng ra khi trả lời báo chí, … Để rồi từ đó, biện pháp trấn áp sẽ được thực thi rất suôn sẻ, “chính đáng”. Kể cả một số hành động bắt bớ, nặng tay cũng đã không dẫn tới cử chỉ quá khích từ phía người biểu tình, ngược lại, lại có phản ứng theo lối “trên cơ”, bằng kiến nghị, bằng rất nhiều bài viết phê phán nghiêm khắc của giới nhân sĩ, trí thức.
- Bất ngờ thứ hai là dù các cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát, không có tổ chức, đoàn thể nào đứng ra cầm chịch, nhưng vẫn vừa giữ được chừng mực, vừa tạo không khí hấp dẫn không ngừng cần có cho một thứ chính trị khô khan. Đặc biệt nhất là việc thay đổi hẳn địa điểm, không ở tòa Đại sứ Trung Quốc nữa, nơi mà chính quyền sẽ rất có cớ để trấn áp, phía Trung Quốc cũng có cớ để sinh sự.
- Một trớ trêu, cũng lại bất ngờ, là sự trái ngược giữa hình ảnh hai thành phố lớn – Hà Nội, TPHCM, một nơi được tự do biểu tình, một nơi thì ngược lại. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, không biết cái gì sẽ xảy ra khi mà không khí hừng hực ở Hà Nội cứ tiếp tục hun nóng thêm bầu nhiệt huyết của Sài Gòn vẫn mãi bị kìm nén trong cái bình giá lạnh.
- Vấn đề còn lại ở đây là: Dự luật Biểu tình, Dự luật về Hội đã bị gác lại vô thời hạn một cách rất không bình thường, giờ đã đưa tới hệ quả làm cho chính phía chính quyền thiếu công cụ để đối thoại với những người yêu nước và chủ động hơn trong việc nắm bắt, kiểm soát tình hình. Vậy thì cách tốt nhất để bớt bị động cho cái tình huống dở trăng dở đèn này là chính quyền cần tìm, tạo ra những kênh thông tin, trao đổi không chính thức với những người dân yêu nước.
Bauxite Việt Nam

Sự khó xử của nhà cầm quyền

Người Quan Sát

Phần 1

Một tiền lệ chưa từng có đã được hình thành
Trải qua 10 cuộc biểu tình của giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội phản đối việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông (tạm gọi tắt là “phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc”), hiện thời nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng trước một tình thế khá nan giải: hoặc ủng hộ, hoặc bất hợp tác với phong trào biểu tình.
Bất hợp tác với phong trào biểu tình xem ra là việc dễ nhất, bởi xuyên suốt trong quan điểm từ trước đến nay của mình, chính quyền không hề mong muốn bầu không khí dân chủ được đẩy lên đến mức có thể bị “Diễn biến hòa bình” lợi dụng.
Tinh thần tự tôn  của chính quyền cũng được thúc đẩy bởi lòng tự ái độc tôn, không muốn bất cứ một lực lượng nào trong xã hội chia sẻ quyền lực với mình, dù đó chỉ là một thứ quyền lực tượng trưng hoặc quyền lực tưởng tượng. Bởi thế, nếu lấy mốc là thời mở cửa, từ hai mươi năm qua, khái niệm biểu tình gần như không tồn tại ở Việt Nam. Ý tưởng về Luật Biểu tình, sau một số lần nhen nhóm trong Quốc hội, cũng đã bị gác lại vô thời hạn.
Tuy vậy, vụ việc biểu tình phản đối Trung Quốc dường như đã vượt qua giới hạn ban đầu của nỗi sợ hãi bị kềm nén trong hai mươi năm qua. Giờ đây khi nhìn lại, hẳn phần lớn, nếu không nói là tuyệt đại đa số lãnh đạo trong chính quyền đã ngạc nhiên một cách chua chát về diễn tiến hầu như liên tiếp của các cuộc biểu tình mà vào thời điểm đầu tháng 6/2011 họ đã không lường trước được. Một tiền lệ chưa từng có đã được hình thành.
Thoạt đầu, phổ biến trong giới lãnh đạo là đánh giá về tính nhất thời, bức xúc đột biến của vụ việc mà khó có thể diễn ra một cách có hệ thống như chuỗi thời gian mười Chủ nhật. Đánh giá này được củng cố bởi bản thông báo tự phát đến mức ngây thơ của trang mạng xã hội Nhật ký yêu nước – kẻ tiền thân của phong trào biểu tình. Thế nhưng các Chủ nhật tiếp sau dần mang lại một cảm giác khó tả đối với giới chức chính quyền. Nhóm biểu tình dần được nhân rộng với thành phần nhân sĩ có, trí thức có, sinh viên có, kể cả người dân thường…, và dù số lượng người biểu tình lên xuống thất thường do những tác động khách quan, phong trào biểu tình vẫn được duy trì đều đặn, tỷ lệ thuận với xu thế gây hấn bài bản của Trung Quốc ở khu vực biển Đông.
Chữ ký nào và trách nhiệm nào?
Đã không hề có động thái dứt khoát nào từ phía nhà cầm quyền về việc “xử lý” phong trào biểu tình. Phương án phòng chống bạo động, bạo loạn của ngành công an vẫn còn đó, vẫn còn nguyên giá trị trên… giấy, nhưng để áp dụng vào thực tiễn thì thật là một thử thách. Nếu là lần biểu tình đầu tiên hoặc cùng lắm đến lần thứ hai, một đòn phủ đầu mạnh mẽ từ lực lượng an ninh và cảnh sát có thể đã làm lắng dịu đáng kể phong trào biểu tình. Nhưng cái lợi thế của chủ nghĩa tập thể trong sáng đã từng giúp người cộng sản thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nay lại trở thành điểm yếu của một số người kế thừa đã nhúng quá sâu vào tham nhũng: vì chủ nghĩa tư lợi, không ai dám đưa ra quyết định cá nhân mang tính thay đổi cục diện.
Trong các cuộc họp bàn về chuyện xử lý biểu tình, như thường lệ, vẫn xuất hiện những ý kiến mạnh mẽ từ những người tỏ ra có trách nhiệm với Đảng, lo lắng trước nguy cơ vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng có thể bị ảnh hưởng từ cái “xã hội dân sự” nhỏ nhoi kia. Nhưng ý kiến vẫn chỉ là ý kiến, còn khi cần phải triển khai thành một văn bản nào đó nhằm xác quyết, dứt điểm vấn đề thì người ta bắt đầu suy nghĩ: Ai là người ký?
Rất khó cho người ký nếu phải lồng vào văn bản những biện pháp trấn áp trong các tình huống chống biểu tình, bạo loạn đã được xây dựng. Một động tác quá cứng rắn của chính quyền sẽ khiến người dân nghĩ sao đây? Dân chủ là nền tảng của xã hội, còn nhân dân thì đang quá nhiều bức xúc, phẫn nộ đối với nhiều hành vi thừa hành sai trái của các cấp thi hành, tại nhiều địa phương và ngay tại trung ương. Khác hẳn với quá khứ đối phó với kẻ thù ngoại xâm, hiện tại nhà cầm quyền đang phải đối mặt với chính nhân dân của mình.
Sự e ngại những vấn đề quá nhạy cảm cũng len sâu vào não trạng của những người e ngại cả trách nhiệm của họ trong việc đề ra biện pháp đối phó với phong trào biểu tình. Hơn nữa, nghĩ đi nghĩ lại thì cũng phải thừa nhận, dù chỉ trong thâm tâm, phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc cũng có cái lý của nó – lòng yêu nước và tinh thần quật cường hiếm thấy trong thời buổi tranh sáng tranh tối này. Vậy nên cách tốt nhất là hành động một cách ôn hòa – vận động và thuyết phục, vừa tránh khoét sâu thêm hố phẫn nộ trong lòng dân chúng, vừa khỏi phải trở thành đối tượng mà đến một lúc nào đó trong tương lai có thể bị quy là kẻ ra lệnh đàn áp người yêu nước. Tinh thần nghị quyết hay một văn bản giống như nghị quyết đại khái là như thế. Cuộc họp kết thúc.
Đó cũng chính là cái kẽ hở mà phong trào biểu tình vô hình trung đã lách qua được trong mười Chủ nhật qua, chứ không phải do áp lực của 500 đại biểu Quốc hội vốn chỉ có truyền thống gật đầu với những gì đã được quán triệt từ trước.
Bình mới rượu cũ
Cho đến khi xảy ra “cú đạp triết học” (như cách gọi của một bài viết trên boxitvn). Đến lúc đó, phong trào biểu tình đã diễn tương đối thuận buồm xuôi gió được mấy Chủ nhật, còn các cơ quan chức năng mới giật mình với sự suôn sẻ không ngờ như thế. Tới lúc đó, vẫn không có chỉ thị đặc biệt nào bằng văn bản của chính quyền về việc cần phải trấn áp hay đàn áp, nhưng một phép thử đã được tung ra đối với người biểu tình.
Hành động côn đồ của một nhân viên công lực tuy chỉ mang tính cá nhân, nhưng lại nên được xem là một cái mốc có tính quyết định về xu thế: nếu người biểu tình chịu thỏa hiệp với chính quyền sau cú đạp của Đại úy Minh, những cú đạp khác sẽ được bồi tiếp; còn nếu phong trào biểu tình vẫn không lắng dịu, nhà nước phải xem xét lại cách hành xử của mình.
Kịch bản thứ hai đã xảy ra với lời thanh minh của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an Hà Nội – trong một cuộc họp báo được coi là bất ngờ.
Lần đầu tiên, một người có trách nhiệm tuy không tuyên bố đại diện cho giới có trách nhiệm cao nhất của chính quyền trung ương, đã xác nhận tính chất yêu nước của phong trào biểu tình, công bố tình hình biểu tình và qua đó phần nào thừa nhận hoạt động biểu tình. Nói cách khác, lần đầu tiên chuyện biểu tình ở Việt Nam được hợp thức hóa dưới một hình thức không trực tiếp, không văn bản pháp lý. Điều đó cho thấy với một số nguyên do vừa dễ hiểu vừa sâu xa, nhà nước cần phải biểu hiện sự thỏa hiệp với nhóm biểu tình. Tuy nhiên sự thỏa hiệp này sẽ thể hiện đến mức độ nào thì còn tùy tình hình thực tế, mà phán đoán về thực tế tình hình lại là một nhược điểm cố hữu của công tác dự báo của chính quyền – người ta đã quá quen với cách nhìn các vấn đề chính trị như cung cách điều hành nền kinh tế ngồn ngộn mâu thuẫn giữa lạm phát và giảm phát, giữa cắt giảm đầu tư công và nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi…
Do vậy, không có gì khó hiểu khi Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, trong khi gián tiếp thừa nhận hoạt động biểu tình thì lại trực tiếp phủ nhận cái thực tế về hành vi đáng xấu hổ đối với toàn ngành công an của Đại úy Minh. Sự bất cập trong ứng xử của Tướng Nhanh cũng biểu hiện qua việc ông đã buộc phải trở thành một nhà ngoại giao bất đắc dĩ, không hề chuyên nghiệp với phát ngôn “biểu tình chống Trung Quốc là yêu nước” – mà nếu người dân Trung Quốc biết được lời phát ngôn này thì đó là một sự xúc phạm nặng nề từ tư duy vơ đũa cả nắm của một ông tướng Việt Nam.
Tuy nhiên ông Nhanh cũng đã hoàn thành được một nửa vai trò được giao phó. Nửa còn lại thuộc về cấp trên của ông Nhanh – những người chưa hoàn chỉnh một đối sách đối với phong trào biểu tình và vì thế cho tới nay chỉ có thể ngầm tuyên bố ủng hộ nhóm biểu tình một cách nửa vời – theo cái cách mà dân gian vẫn gọi là thói xấu của người Việt. Dân chủ trong khuôn khổ, hoặc có thể hiểu giới hạn của dân chủ trong trường hợp này là hoạt động biểu tình cần và phải được “khoanh vùng” chỉ với khách thể là Trung Quốc, mà không thể để lây lan sang những vấn đề nhạy cảm khác. Việc Cù Huy Hà Vũ bị xử y án chỉ vài ngày sau cuộc họp báo của Nguyễn Đức Nhanh là một minh chứng rõ ràng. Bình mới rượu cũ.

Phần 2

Những nan giải còn lại
Như vậy, nhà cầm quyền mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong bài toán nan giải – gián tiếp thừa nhận hành động biểu tình phản đối Trung Quốc. Sự nan giải còn lại mà những người có trách nhiệm của chính quyền phải đối mặt là làm sao không làm dân chúng bị tổn thương thêm, nhưng cũng không khiến cho Trung Quốc có cớ nổi giận mà có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về kinh tế.
Đã khá muộn để chính quyền thực hiện một chiến dịch tuyên truyền theo môtip “phản tuyên truyền”, tức nêu quan điểm chính thống của chính quyền về vấn đề biểu tình, trong đó đương nhiên có nội dung đề cập đến việc hoạt động biểu tình có thể bị “các thế lực thù địch” lợi dụng. Hơn hai tháng qua, dù chỉ ba bốn trăm người tuần hành biểu tình ở Hà Nội nhưng thông tin này đã được phần lớn người dân Việt Nam biết đến với rất nhiều ý kiến biểu thị thái độ đồng tình với hành động biểu tình. Trong khi đó chính quyền lại hạn chế thông tin trên cơ quan truyền thông đại chúng đến mức khó hiểu mặc dù các báo đài nước ngoài đã tìm cách đưa tin chi tiết. Điều nầy liệu có trở thành phản tuyên truyền hay “bưng bít” thông tin không?
Giả như một văn bản thông tin của Ban Tuyên giáo trung ương về vấn đề biển Đông và việc biểu tình sẽ giải quyết được mục tiêu gì? Nếu văn bản này, dù có đề cập một cách toàn diện các nội dung cần biết, nhưng chỉ được phổ biến nội bộ như vẫn thường làm trước đây, lại thêm dấu “mật”, thì sẽ chẳng thể có tác động nhiều đến tư tưởng của người dân – đối tượng chính mà công tác tuyên truyền coi là ưu tiên tác động hàng đầu – đôi khi còn được diễn giải với cách lý giải chủ quan một cách méo mó!
Còn nếu văn bản được công khai thì đó rất có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, việc thông tin công khai về “khoanh vùng biểu tình”, hoặc đưa ra chủ trương như “không khuyến khích hoạt động biểu tình” sẽ là cái cớ cho hành động trấn áp cứng rắn của ngành công an đối với những người biểu tình trong các cuộc tuần hành sắp tới. Nhưng ở một thái cực ngược lại, sự công khai hóa thực trạng biểu tình cũng khiến cho đại đa số người dân nắm được thông tin theo kênh chính thống và do đó – như đã đề cập ở trên – có thể dẫn tới suy nghĩ của một số người cho rằng nhà nước đã hợp thức hóa việc biểu tình… Và bất cứ ai cũng có thể đi biểu tình mà không cần xin phép.
Cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra. Nhưng theo truyền thống thiên về né tránh trách nhiệm cá nhân trong các cơ quan nhà nước, không có nhiều khả năng sẽ có một văn bản công khai được phổ biến đến tận người dân. Thay vào đó, có thể một chiến dịch phản tuyên truyền sẽ được tổ chức trên một số tờ báo – vốn trước nay vẫn được sử dụng trong những trường hợp cần thiết để định hướng dư luận, dù chỉ là sự định hướng một cách khiên cưỡng với thủ pháp khá đơn giản mà mỗi người dân có trình độ nhận thức trung bình đều có thể hiểu ngay đằng sau của vấn đề là gì.
Ngay cả trong trường hợp giới lãnh đạo thống nhất cao về chủ trương xử lý biểu tình với phần hành xử cứng rắn thuộc về trách nhiệm của ngành công an, tức phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn được đưa vào vận dụng trong thực tiễn và trở thành đất dụng võ của những sĩ quan võ biền, thì tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ngay trong nội bộ ngành công an vẫn có thể ngấm ngầm diễn ra. Không có gì bảo đảm là trong hành xử với người biểu tình, nhân viên công lực sẽ giữ được thái độ kềm chế đúng mực. Nếu xảy ra trường hợp người biểu tình bị nhân viên công lực làm bị thương hoặc bị chết thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hậu quả tức thời và sau đó?
Nếu ngành công an quyết định biểu dương quyền lực và lực lượng của mình, chính quyền tại các địa phương – nơi có hoạt động biểu tình – sẽ thở phào mà dồn hết cả trách nhiệm cho giới kiêu binh công an, còn bản thân họ thì bắt đầu tính đến việc phải xử lý khối tài sản cá nhân như thế nào cho êm gọn trước xu hướng biến động khó lường của tình hình chính trị.
Những động thái của quan chức chính quyền cũng là tâm trạng của giới đại gia Việt Nam. Những đại gia này, về thực chất còn phức tạp hơn nhiều so với quan chức khi đã quen thuộc với vai trò tác động vào hệ thống chính quyền và tạo nên những chính sách làm lợi cho họ, sẽ không có cảm giác an toàn khi ngay cả quan chức bạn bè của họ đã cảm thấy bất an. Vì thế, giới đại gia sẽ tìm cách can thiệp cả vào chính sách chính trị theo hướng làm êm dịu tình hình để mặt trận kinh tế của họ không bị đổ vỡ. Sự can thiệp này là có khả năng và có tác dụng ở một mức độ nhất định.
“Xã hội dân sự mặc nhận”?
Hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn chưa có lý do để ngừng lại khi những nguyên nhân trực tiếp vẫn là những tín hiệu gây hấn căng thẳng luôn xuất hiện ở vùng biên giới, biển khơi hoặc ngay trên bàn đàm phán ngoại giao giữa hai nước Việt-Trung. Còn nguyên nhân gián tiếp lại là việc người biểu tình và những người thiện cảm với phong trào biểu tình càng cảm thấy bị xúc phạm hơn khi luồng thông tin của chính quyền về họ ngày càng trở nên xám xịt một cách đầy khó hiểu, mà nếu không cẩn thận thì lòng yêu nước rất có thể bị biến thành một thứ tình cảm tội phạm!
Thiết tưởng cần phải nhanh chóng ban hành một qui chế về hành động biểu thị thái độ (gọi chung là biểu tình) của người dân, hạn chế vi phạm an ninh trật tự công cộng đến mức thấp nhất và một qui phạm về cách ứng xử của ngành an ninh trước những hành vi gây rối hoặc bạo động.
Trước khi phong trào biểu tình nổ ra, đã ít có mối liên hệ chính thức giữa các nhóm trí thức, cũng như giữa trí thức với tôn giáo. Nhưng cho đến nay, không hiểu sao những mối dây liên hệ rời rạc lại đang có chiều hướng khắng khít với nhau. Sự khắng khít đó lại thêm bền chặt chính bởi cây cầu biện chứng lịch sử – các cựu chiến binh và lão thành cách mạng. Chỉ có thể giải thích rằng mọi người tìm được sự an ủi và đôi chút niềm tin khi dựa vào nhau. Đó cũng là tâm cảm của giới sinh viên, những người trước đó còn bị nhà trường ngăn cảm biểu tình, nhưng bản thân họ cũng đang được hỗ trợ bởi sự chia sẻ của những tiểu thương và cả nông dân. Một tiền lệ đã được bắt đầu như thế.
Một xã hội dân sự thu nhỏ cũng đang dần thành hình và có thể sẽ thành khối một cách mặc nhận, không phải qua những cuộc hội thảo luôn luôn và chắc chắn chẳng dẫn đến kết quả nào. Mà ngẫm ra có vẻ khôi hài và trớ trêu là cái xã hội dân sự mặc nhận này được bắt đầu từ lề trái của con đường.
Ai đó có thể cho rằng một người mới tập tành việc đi đứng lại bắt đầu không phải từ phần đường bên phải theo luật giao thông Việt Nam, rằng đó là biểu hiện của cách mạng sắc màu hay cách mạng hoa nhài.
Nhưng thực ra sự hình thành ấy chẳng qua chỉ phản ánh quy luật phản ứng với bất công xã hội trong bối cảnh hiện nay mà thôi.
Ai đã đẩy người đi đường sang lề trái vậy?
N.Q.S.

Bài của Người Quan Sát đăng trên Anhbasam


Nguồn cơn của bản thông báo bất hợp lệ


Người quan sát
Bản thông báo ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phHà Nội (UBNDHN) đã gián tiếp xác nhận một sự phân hóa đang ngày càng lớn trong giới chức lãnh đạo. Sự phân hóa này không phải mới xảy ra, mà đã hình thành cùng với sự khởi đầu của phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội.
Cũng bởi thế, điều đã luôn làm cho người dân ngạc nhiên là trong suốt hai tháng rưỡi trời với các cuộc biểu tình diễn ra khá suôn sẻ, đã không hề xuất hiện một văn bản nào xác quyết thái độ của nhà cầm quyền đối với việc biểu tình được thông báo công khai cho công luận và dư luận. Mà chỉ có những văn bản lưu hành nội bộ với các dấu “Mật“, “Tối mật” hay “Tuyệt mật” đỏ chói.
Ý tưởng về một văn bản khắc chế việc biểu tình đã được nêu ra trong các cuộc họp của những người có có trách nhiệm cao nhất ngay sau cuộc biểu tình đầu tiên. Với cái nhìn ở tầm vĩ mô, các nhà làm luật đề cập đến việc phải có Luật Biểu tình – một công việc đã bị đình hoãn nhiều lần cho tới nay – nhằm giải quyết vấn đề biểu tình trên nhiều phương diện, tránh cho chính quyền rơi vào tình trạng bị động.
Tuy nhiên, công an vẫn thường là ngành ít mặn mà nhất với Luật Biểu tình, với lý do một khi văn bản pháp lý cao nhất này được ban hành, hoạt động biểu tình sẽ được hợp pháp hóa, cho dù trong nội dung luật này có thể xác lập được những điều khoản khiến cho người biểu tình gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian để soạn thảo và hoàn chỉnh Luật Biểu tình cho đến lúc ký ban hành sẽ kéo dài ít nhất hàng năm trời, trong khi chuyện biểu tình ở Hà Nội và một số địa phương khác lại diễn ra hết chủ nhật này đến chủ nhật khác.
Khi phương án Luật Biểu tình không nhận được sự ủng hộ của đa số, những văn bản với cấp độ thấp hơn được suy tính đến. Không có luật thì cũng không thể có pháp lệnh, nghị định hay thông tư về biểu tình. Vậy chỉ còn những thể thức văn bản như chỉ thị hay thông báo thì mới có thể có tác dụng tức thời đối với việc ngăn chặn biểu tình.
Tất nhiên, Chính phủ hoàn toàn đủ thẩm quyền để ký ban hành một bản chỉ thị có tính bao quát và trên hết là phù hợp với chức trách của chính quyền hơn là chức trách của Đảng, cũng là tránh cho Đảng khỏi bị dư luận nhân dân dị nghị về chuyện can thiệp vào những vấn đề thuộc về khối chính quyền.
Có lẽ Chính phủ đã sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho một chỉ thị như thế, nếu không xảy ra một điểm bất cập là hoạt động biểu tình chỉ diễn ra chủ yếu trên địa bàn Hà Nội chứ không phải toàn quốc. Với lý do đó, một văn bản chỉ đạo của Chính phủ sẽ có vẻ như quá can thiệp vào công việc của riêng Thủ đô.
Trong một cuộc họp, cũng đã có ý kiến nên giao cho Bộ Công an ra văn bản ngăn chặn biểu tình, vì bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ chính của ngành công an. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối khá rộng của nhiều vị, kể cả giới chức ngành công an, bởi khi đưa lực lượng công an xử lý biểu tình sẽ rất dễ bị các thế lực xấu trong và ngoài nước lợi dụng để gây kích động về chuyện công an đối đầu với nhân dân, đàn áp nhân dân. Việc này càng phải cẩn trọng hơn sau vụ một sỹ quan công an hành hung người biểu tình mà đã gây lớn chuyện ngoài xã hội và cả trong ngành công an.
Đó cũng là lý do tại sao để ngăn chặn biểu tình, không cần đến văn bản từ cấp Chính phủ mà chỉ Hà Nội mới có thẩm quyền đúng đắn nhất để làm việc này.
Hẳn nhiên, đường đi của những lý luận và lý lẽ như trên đã kéo dài suốt từ tuần này sang tuần khác, với mỗi tuần đều có một ngày chủ nhật. Cuối cùng, khi nhiệm vụ đã được đặt vào những người có trách nhiệm cao nhất ở Hà Nội, thì chỉ còn lại vấn đề Thành ủy hay UBNDHN, ai là người chịu trách nhiệm chính ký ban hành văn bản.
Trong thực tế, vấn đề này đã được giải quyết dễ dàng hơn. Theo nguyên tắc ngành dọc bên Đảng, một khi Ban bí thư đã không tham gia trực tiếp vào chuyện ngăn chặn biểu tình bằng văn bản công khai thì Thành ủy Hà Nội cũng chẳng có lý do nào để can thiệp vào chức trách của UBNDHN một cách lộ liễu. Điểm cuối của đường đi văn bản chính là người có trách nhiệm của UBNDHN.
Ban đầu, người ta tưởng chính chủ tịch UBNDHN là người ký văn bản ngăn chặn biểu tình chứ chẳng phải ai khác. Nhưng hóa ra không phải vậy. Mà cũng chẳng phải phó chủ tịch có trách nhiệm liên quan đến công tác nội chính.
Cấp độ văn bản cũng theo đó mà tuột dần, từ luật xuống chỉ còn là chỉ thị. Nhưng đến chỉ thị rồi mà người ta vẫn còn e ngại. Thế nên cuối cùng mới xuất hiện hình thức thông báo.
Nhưng dù chỉ là một bản thông báo bình thường như bao bản thông báo khác, người ta vẫn e ngại với những nội dung khá đặc biệt của nó. Với những nội dung này, khi cả chủ tịch và phó chủ tịch đều không ký thì chỉ còn lại cấp chánh văn phòng hay phó văn phòng UBND thôi. Nhưng với cấp chánh phó như thế, tác dụng của văn bản thông báo lại có vẻ bị hạ thấp như một kiểu “thừa lệnh thông tin“, chẳng có giá trị chế tài gì hết. Còn nếu giao cho giám đốc Công an Hà Nội – trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, người đã từng xác nhận hoạt động biểu tình là biểu hiện lòng yêu nước – thì lại có vẻ như không logic lắm với nội dung khá cứng rắn của bản thông báo.
Bàn đi tính lại cho đến tận những ngày gần đây vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, hàng ngày cấp trên của UBNDHN vẫn thúc giục phải có biện pháp ngăn chặn biểu tình. Cuối cùng, cực chẳng đã, văn bản thông báo vẫn cứ được ban hành, nhưng chẳng có ai ký.
Chẳng có ai ký, cũng chẳng có số văn bản hay nơi nhận. Chỉ có một cái dấu treo làm bằng chứng rằng đó là một văn bản của UBNDHN. Cái dấu treo cả trên lẫn dưới trong văn bản như thế cũng khiến người dân liên tưởng đến mấy trăm dự án bất động sản và kéo theo nhiều khu dân cư đang nằm trong diện quy hoạch treo tràn lan mà trước đây UBNDHN đã sẵn lòng ký không biết mỏi tay.
Có lẽ đây là một trong số hiếm hoi trường hợp văn bản hành chính của UBNDHN bị biến thái một cách kinh khủng.
Những nguồn cơn dẫn đến bản thông báo bất hợp lệ của UBNDHN không chỉ phản ánh sự phân hóa ngày càng rõ nét về quan điểm và phương pháp xử lý biểu tình trong giới chức lãnh đạo cấp cao, mà còn xác nhận tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đến mức tối đa đối với những đầu việc hoàn toàn chẳng có lợi lộc gì cho bản thân.
Với tâm thế đùn đẩy trách nhiệm như vậy, liệu chính quyền có sẵn sàng “ra tay” trong ngày chủ nhật 21/8/2011? Rất khó khăn để có thể thuyết phục các cấp thừa hành, trong đó phần lớn là công an viên, rằng công an mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý cái đám đông biểu tình “ngoan cố” kia, trong khi không một ai trong số cấp trên của họ lại là người dám đưa đầu chịu báng, dù chỉ là một chữ ký nhỏ nhoi.
Với tất cả những lý do và động thái trên, có đến 70-80% khả năng cuộc biểu tình ngày 21/8 vẫn diễn ra với bầu không khí “thắm tình hữu nghị” như chủ nhật trước đó. 20-30% còn lại tùy thuộc vào yếu tố tùy nghi ứng biến của lực lượng bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, tính ứng biến này không hoàn toàn là thái độ cứng rắn như đã được chuẩn bị, mà còn phụ thuộc vào diễn biến phát sinh của thực tế.
Có thể trong tuần sau, một cuộc họp liên ngành sẽ được tổ chức để bàn luận và tìm xem có giải pháp nào mới hơn, hiệu quả hơn, chẳng hạn như một thông báo mới nhưng sẽ có số và được ký tên đóng dấu đàng hoàng…nhằm khắc chế hoạt động biểu tình. Nhưng ngay cả nội dung cuộc họp đó cũng còn tùy thuộc vào kết quả của ngày chủ nhật này.